Dân tộc chúng ta, có lẽ, không phải là một dân tộc mê sắc đẹp. Truyền thuyết, tín ngưỡng dân gian của chúng ta không có nữ thần sắc đẹp. Một nhân vật văn học gắn liền với tín ngưỡng dân gian lẽ ra phải đẹp như Quan Âm - Thị Kính thì, theo logic, cũng khó có thể gọi là đẹp bởi, đã giả được trai để đi tu thì, dù rất đẹp trai, làm sao có thể gọi là một cô gái đẹp? Lịch sử cũng vắng bóng người đẹp. Những người đẹp trong lịch sử như An Tư, Huyền Trân, Đặng Thị Huệ, Ngọc Hân v.v.. thì lại đẹp một cách sơ sài, chúng ta hoàn toàn không thể hình dung vì lẽ các sử gia xưa quá ư kiệm lời.
Đáng nói hơn, những người đẹp như thế dường như chỉ xuất hiện trong cảnh loạn lạc, điêu tàn. Có thể nói, khi xã hội càng bất an, hay khi người dân càng mất niềm tin và chính quyền càng bộc lộ sự bất lực, người đẹp càng lượn lờ nhiều hơn, như một thứ nguồn cơn của tai họa.
Trong văn học thì đàn bà đẹp lại không may mắn bằng đàn bà xấu bởi ấn tượng về họ bao giờ cũng sâu đậm hơn, sống dai hơn, cơ hồ bất tử. Và cũng giống như là đàn bà xấu, những chính quyền không ra gì bao giờ cũng tìm cách che đậy cái dở của mình nhưng không bao giờ thành công mà, thậm chí, càng gắng sức bao nhiêu, cái xấu càng bị bộc lộ, càng đem lại cảm giác nhờm tởm bấy nhiêu.
Đó là cảm tưởng không thể tránh khỏi khi nhìn vào cục diện đất nước hiện tại, trong bàn tay của một chính quyền mà bất cứ thứ gì cũng "sắp vữa ra", như là bộ ngực xọp xẹp của người kỹ nữ hết thời trong ngòi bút của Nguyễn Tuân.