Cõi thơ thì vô tận, người thưởng thức thơ ở mọi lứa tuổi và ở mọi thời gian cũng như không gian. Thơ vốn là một dòng sữa ngọt, một linh hồn của thi nhân, một bóng hình của quá khứ, một ảo ảnh của cuộc đời, một vô thường của sanh diệt diệt sanh. Mỗi người đọc thơ sẽ có một tâm trạng khác nhau khi gửi hồn mình vào đó.
Đọc phần một về Quê Hương, Tổ Quốc và tình người, ta thấy Tác giả có một lập trường kiên định với hai chữ Tự Do, khi ra đi tỵ nạn như thế nào, thì quyết định rằng ngày về lại nơi đất Mẹ thân yêu, phải là ngày quang huy của Tổ Quốc; chứ không phải như ai đó.
"Bó thân về với triều đình,
Hàng thần lơ láo phận mình ra đâu..."
(Nguyễn Du: Truyện Kiều)
Thân phận Từ Hải đã không muốn như vậy; nhưng vì Kiều khuyên can; nên Từ Hải mới chịu hàng; ở đây Tác giả tập thơ này không cam tâm làm như vậy, mà bao giờ cũng gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh về hai chữ Tự Do, khi quê hương của chúng ta chưa thực sự có được một ngày như thế.
Lãnh vực thứ hai Tác giả viết về Mẹ. Đây là một đề tài mà xưa nay bất cứ luận văn thi sĩ nào cũng gây cho độc giả với nhiều cảm xúc. Bởi vì Mẹ là tất cả. Mẹ là linh hồn của con trẻ hay người lớn tuổi. Dẫu cho ta có lớn khôn bao nhiêu đi chăng nữa mà mất Mẹ thì xem như mất cả một bầu trời. Những vần thơ tiếc thương về Mẹ, khi bà Cụ qua đời mà không có mặt Tác giả, hay những nén nhang, những câu kinh cầu qua nhiều lần giỗ Mẹ trong suốt 20 năm ở ngoại quốc, Tác giả đã thể hiện qua những vần thơ và đã chứng minh được điều đó.
Đến phần ba: Bạn bè và những người gần gũi thương yêu của mình, Anh đã mang tâm trạng của những sự mất còn của một cuộc lữ du, một hành trình vô tận với những bạn văn, bạn thơ, với những người đang sống hay những người đã ra đi nơi góc biển chân trời và chưa có ngày hội ngộ, như đã nhiều lần chào tạm biệt nhau. Ngày ấy đã xa đi mãi mãi rồi.
Phần cuối viết và nói về Đạo, Anh đã ngộ lý vô thường của nhà Phật; nhất là những ngày nằm trong bệnh viện hay ở nhà để cảm nhận được những hạt bụi long lanh, bay trong vô định hay tiếng chim hót ở vườn bên cạnh nhà, hoặc về chùa Viên Giác ở Hannover để tham dự những lời Kinh khuya. Thỉnh thoảng đâu đó cũng có vài tiếng chuông Giáo Đường vang lên trong thơ Anh như có lần Sư Huynh Johannes Hà Đậu Đồng ở Münster đã từng viết:
"Mái chùa che bóng Từ Bi,
Thánh Đường mở rộng thành trì yêu thương..."
Xin Quý vị hãy lật vào trong từng trang thơ để thưởng thức và Viên Giác Tùng Thư xin trân trọng giới thiệu những vần thơ đặc biệt mang Đạo vào Đời này của nhà thơ Tuỳ Anh và chỉ mong rằng, sau khi đọc Quý vị sẽ có được một vài cảm nhận tiêu biểu qua những trang thơ đầy ý vị này.
Thích Như Điển