Lần đầu tiên tôi biết khoa ICU (Intensive Care Unit, Khoa chăm sóc đặc biệt) là chỉ sau vài giờ trong ngày đầu tiên đặt chân đến Mỹ. Khi đó, ba tôi phải nhập viện lúc khuya vì lên cơn đau tim đột ngột. Tôi thấy mình như lạc lõng trong một thế giới khác. Một thế giới ai nấy đều mặc đồng phục dày cộp, đeo khẩu trang, xung quanh có rất nhiều máy móc và dây nhợ chằng chịt.
Đó là lần đầu tiên tôi nhận ra cuộc sống mong manh đến nhường nào khi thấy ba mình nằm lọt thỏm giữa đống dây rối bù, còn những con số điện tử cứ hiển thị lên xuống trên những chiếc máy vô hồn. Nhưng, giữa những thứ tưởng chừng vô hồn đó, là những lời nói sẻ chia, những cái ôm, cái nắm tay và ánh mắt động viên chân tình của các bác sĩ và điều dưỡng... Tất cả như có sức mạnh kỳ diệu, truyền lại sự sống cho ba tôi. Từ đó, tôi đã cảm mến khoa này.
Năm thứ hai học y khoa, tôi vào khoa ICU thực tập. Trái với cảm giác lo lắng và sợ hãi của nhiều sinh viên vì phải đối mặt với quá nhiều áp lực, tôi lại yêu thích khoa này. Đây là nơi các lý thuyết về hóa học, điện giải, tim mạch, gan thận... được thể hiện một cách thật sự rõ nét qua những triệu chứng lâm sàng, thậm chí qua sự tử vong của bệnh nhân. Một tháng tại ICU giúp tôi học được nhiều kiến thức y khoa hơn một năm học trên sách vở.
ICU là nơi bệnh nhân thật sự trần truồng, chỉ có một lớp vải mỏng che bên trên cơ thể, kết nối với hàng chục dây nhợ. Sự mong manh của cuộc sống được thấy qua từng giọt thuốc vận mạch giữ huyết áp, qua từng nhịp lên xuống của lồng ngực theo máy thở và qua những dòng điện tâm đồ nguệch ngoạc. ICU cũng là nơi tận cùng của phép thử về tình yêu, lòng bao dung, sự sợ hãi và tranh giành quyền lực, tiền bạc. Đây là nơi có tỉ lệ tử vong cao nhất bệnh viện. Bệnh nhân vào ICU chữa trị chỉ có hai hướng: đi lên các tầng trên khi bệnh đã thuyên giảm hoặc đi xuống nhà xác ở tầng hầm. Trung bình 10 bệnh nhân vào ICU, ba người sẽ theo thang máy xuống dưới.
Trong suốt những năm tháng ở ICU, không biết tôi đã chứng kiến bao lần ly biệt, bao nhiêu cái chết, những nỗi dằn vặt khi người mình yêu thương không còn nữa. Nhưng ICU cũng là nơi con người nhận ra nhau, nơi yêu thương nở hoa, qua đó chúng ta mới hiểu thế nào là đánh mất và thế nào là giá trị của hiện tại. Xin mời quý vị cùng tôi đi vào ICU để cùng trải nghiệm những cung bậc của sức chịu đựng, nỗi đau đớn, lòng vị tha, sự tử tế và tình yêu.
PGS. BS. Huỳnh Wynn Trần
Los Angeles, Hoa Kỳ