"Con người, ngoài tình cha con, chồng vợ, gia đình, thân tộc, còn có một loại tình yêu khác: tình yêu Tổ quốc và tình yêu dân tộc. Khóc cho con, chồng, vợ, con người còn đổ lệ cho dân và nước. Một người không biết khóc cho hai vật thể thiêng liêng đó, ngoài cái xấu ích kỷ, còn đáng liệt vào loài cầm thú nữa!"
(trích Mất Dấu Thiên Đường)
Mất Dấu Thiên Đường - tác phẩm thứ hai, và cũng là tác phẩm được trình làng sau cùng trong bộ ba tác phẩm di cảo của nhà văn Sĩ Trung. Khởi từ Chiến Sĩ Cô Đơn viết về giai đoạn 1954 - 1975 tại miền Nam Việt Nam, sang Mất Dấu Thiên Đường là thời điểm bốn năm sau ngày Tổ quốc thống nhất, và cuối cùng là Lạc Bóng Thiên Đường đề cập đến thân phận của những người Việt Nam lưu vong; cả ba tác phẩm được viết lúc cuối đời, tác giả Sĩ Trung luôn tạo ra những tình huống hấp dẫn, lắt léo đẩy nhân vật của mình đối diện thực tại đang diễn ra trước mắt. Ở đấy, từng tính cách nhân vật được bộc lộ rõ rệt, chiếc mặt nạ dần dần rơi xuống phơi bày vô vàn bộ mặt từ anh hùng đến tiểu nhân chỉ trong gang tấc.
Mất Dấu Thiên Đường là câu chuyện đắng cay của lớp người từng vào sinh ra tử góp xương máu mình cho độc lập - tự do của dân tộc Việt Nam. Vài năm sau ngày đất nước nối liền từ Bắc đến Nam, họ vỡ ra nhiều lẽ và hoài nghi chính lý tưởng tuổi xuân mình đã theo đuổi. Thất vọng, chua chát, chán chường, tuyệt vọng, ... là loạt cảm giác độc giả dễ bắt gặp xuyên suốt 500 trang truyện dài Mất Dấu Thiên Đường. Cuối đường hầm vẫn luôn có ánh sáng, họ - lớp người ngày nào góp công sức cho chín năm kháng chiến của dân tộc, một lần nữa họ lên đường mong chuộc lại lỗi lầm mà bản thân họ không gây nên. Những mặc cảm cứ dày vò, bóp nát trái tim họ đến nghẹt thở và thôi thúc tất cả thực hiện cuộc cách mạng ngay trong thời bình.
Điều gì đang chờ họ phía trước? Mời độc giả thưởng thức truyện dài Mất Dấu Thiên Đường, lần xuất hiện đầu tiên sau hơn ba mươi năm chờ được đánh thức. Các vấn đề trong truyện tác giả Sĩ Trung đặt ra, hôm nay đọc lại tưởng chừng mọi chuyện vừa xảy đến mươi năm trước...