Bài giảng của Thầy là hợp tuyển các bài giảng pháp của hai vị Đạo sư tôn quý dòng Drikung Kagyu: Sonam Rinpoche và Garchen Rinpoche (tại Việt Nam) trong năm 2009 - 2010.
Trong tập bài giảng của Sonam Rinpoche, chúng tôi tập trung vào các buổi giảng về ngondro - là phần thực hành trọng tâm của các đạo hữu Kim Cang Thừa ở Việt Nam hiện nay. Nội dung chính yếu là những gì chúng tôi chắt lọc từ các phần ghi âm bài giảng của Rinpoche ở Lạc Phố (trong chuyến đi của Thầy về Việt Nam năm 2009), ở Nepal (trong chuyến các đạo hữu Drikung tới thăm tu viện của Ngài ở Kathmandu, tháng 3 năm 2010) và một vài địa điểm khác. Vì có sự lặp lại ở các buổi giảng khác nhau nên chúng tôi đã biên tập và thêm các tựa đề để người đọc tiện theo dõi. Các bài giảng của Sonam Rinpoche trong chuyến đi Việt Nam năm 2009 có khá nhiều nhưng do thiếu một số phần ghi âm nên không đưa vào được đầy đủ như mong muốn.
Vào tháng 9 năm 2010, khi gặp Rinpoche ở Bokharbu, Ấn Độ, chúng tôi đã được Thầy giúp chỉnh sửa lại những chỗ sai sót. Thầy cũng bổ sung thêm một số chi tiết mới để các phần trình bày được hoàn chỉnh hơn. Một số phần của pháp thoại chỉ dành cho thính chúng giới hạn đã được Thầy cho phép lược bớt.
Có được tập bài giảng này là nhờ công ghi âm, xử lý và lưu giữ, ghi chép, hiệu đính, biên tập, trang trí ấn bản điện tử của tập thể các đạo hữu: Việt, Tuyết, Đức, Hương, Tịnh Ngộ, Thu, Liên Hoa Tâm, Hiếu Thiện.
Tập bài giảng của Garchen Rinpoche, gồm có bài pháp thoại tại lễ quán đảnh Phật Dược Sư, bài giảng "Ba Mươi Bảy Pháp hành Bồ Tát đạo", và các buổi vấn đáp tại Hà Nội vào tháng 5 năm 2010. Phần vấn đáp đã được sắp xếp lại theo chủ đề nhưng nội dung các câu hỏi và trả lời không thay đổi. Chúng tôi đã lược bớt những phần trùng lặp từ các nội dung ghi âm.
Công việc ghi âm, ghi hình các bài giảng do đạo hữu Việt, Đức, Trụ, Tịnh Ngộ thực hiện. Việc ghi chép lại các phần ghi âm bắt đầu từ tháng 6 năm 2010 với sự tham gia nhiệt tình của các đạo hữu: Việt, Ly, Trung, Giang, Diệu Bạch, Đức, Thanh, Huyền, Hương, Liên Hoa Tâm... Tham gia hiệu đính phần Việt dịch gồm có thầy Chúc Khả, các đạo hữu Tâm Bảo Đàn, Hiếu Thiện cùng với sự giúp đỡ của Lama Dương Đạt.