Về sưu tầm, xử lý tài liệu: Viết cuốn tiểu thuyết lịch sử Võ Nguyên Giáp, tôi đã sưu tầm, nghiên cứu, phân tích hơn một ngàn đầu tài liệu, sách, báo khoảng ba vạn trang và sáu mươi giờ xem phim tài liệu, nghe ghi âm.
Ngoài ra, còn phải nhiều lần đi xem năm chục nhà bảo tàng, khu di tích, nhà lưu niệm tại Thủ đô Hà Nội và các địa phương, để thu thập tài liệu qua hiện vật. Sau đó, lập Biên niên sự kiện hơn một trăm năm Võ Nguyên Giáp, từ 1910 đến 2013. Phân loại sự kiện từng thời gian liên quan tình hình thế giới, khu vực Đông Nam Á, bán đảo Đông Dương và trong nước. Vẽ các bản đồ, sơ đồ chiến sự tiêu biểu trong sự nghiệp cầm quân của Đại tướng...
Đồng thời, để chủ động tạo điều kiện thuận lợi cho độc giả, tôi cũng liệt kê chừng hai trăm câu thành ngữ, tục ngữ, dân ca và ngót một trăm câu hát liên quan đến bối cảnh và tâm lý nhân vật. Bên cạnh đó, còn tìm hiểu một số cách xưng hô đặc biệt của người Miền Trung, và trong gia đình Đại tướng cho phù hợp hoàn cảnh thực tế
Về phân loại nhân vật: Người xưa từng nói, có bột mới gột nên hồ. Trên cơ sở lịch sử, tôi xây dựng hình tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bằng thể loại tiểu thuyết lịch sử, nghĩa là hư cấu mang tính văn chương. Võ Nguyên Giáp là nhân vật trung tâm, từ một người yêu nước, đi theo Cộng sản, rồi từng bước trở về với Dân tộc; công lao to lớn và cũng không ít lỗi lầm. Tổng số 206 nhân vật (1 nhân vật trung tâm, 20 nhân vật chính, 64 nhân vật phụ, 121 nhân vật minh họa) và 300 tên người liên quan được nhắc tới ít nhiều, nhưng không tính trong diện nhân vật (Phụ lục kèm theo). Trong tất thảy nhân vật, chỉ có 2 nhân vật đổi tên vì lý do tế nhị, 12 nhân vật gọi theo nghề nghiệp cho đỡ phức tạp, còn lại 192 nhân vật đều là tên thật. Trong quá trình sáng tác, tôi cũng định đặt những cái tên nhân vật khác với đời thực cho khỏi phiền hà, nhưng suy đi tính lại vẫn giữ nguyên là hay hơn cả. Bởi vậy, nếu có điều gì thất thố, xin quí vị thể tất cho.
Về cấu trúc tiểu thuyết: Tôi chia thành năm phần, tên mỗi phần gồm hai chữ (Lá cờ, Công nghiệp, Danh vọng, Số phận, Hóa thánh); mười hai chương, tên mỗi chương gồm ba chữ (Chương một: Tiếng quê hương, Chương mười hai: Nơi yên nghỉ); bốn mươi bảy mục, mỗi mục bốn chữ (Mục 1: Hò khoan Lệ Thủy, Mục 47: Đảo Yến-Vũng Chùa).